CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG CỦA NHỮNG CÁN BỘ ĐƯỜNG SẮT – NHÂN VẬT CA SĨ PHẠM HỒNG PHƯỚC GỘI ĐẦU TẠI TIỆM TÓC THANH XUÂN – SỰ KIỆN THANH XUÂN MÃI MÃI

Khi phỏng vấn và lắng nghe câu chuyện của các chị, ai cũng nghèn nghẹn vì xúc động. Team Ve muốn kể lại cùng mọi người để chúng ta cùng chậm rãi cảm nhận, sống lại một hồi ức đẹp!
Những kỉ niệm đẹp của chị Lê Thị Hương – nhân viên phục vụ trên tàu
“Mình gắn bó với ngành đường sắt tới nay là được hơn 10 năm rồi. Hồi đầu cũng không nghĩ là sẽ làm việc trong lĩnh vực này đâu, bởi vì mình học Y, xuất thân là dân trường Y.
Vào những năm 2000 – 2003, mình đã từng tham gia Phong tràoThanh Niên tình nguyện của Hà Nội, rồi sau đó tham gia làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường AC Nilensen.
Mình còn tham gia chương trình dạy trẻ khuyết tật, rồi những phong trào tình nguyện của Khoa u bướu Bệnh viện Thanh Nhàn – nay là BV U bướu Hà Nội. Rồi mình lập gia đình, sinh đôi 2 bé, nên mình tạm ngừng lại công việc, thêm biến cố gia đình xảy ra nên mình nghỉ hẳn.
Trong lúc có rất nhiều điều buồn bã thì công việc ở đường sắt bỗng đến với mình như một nhân duyên!
Khi đó các con bắt đầu bước vào tuổi đi học, mình suy nghĩ rất nhiều, và nung nấu rằng, phải có một công việc ổn định.
Được sự động viên của bố mẹ, nên mình quyết định đến với nghề. Vì trước đây bố mẹ mình đã dành cả đời gắn bó với ngành đường sắt, rồi nghỉ hưu được chừng 5-6 năm, cũng mong muốn mình tiếp bước.
Ngày xưa, mình nhớ mãi những khi đạt kết quả học tập cao, mẹ trao phần thưởng cho là một chuyến đi tàu Hà Nội – Sài Gòn. Cảm thấy vui, hạnh phúc vô cùng, con tàu sống trong kí ức tuổi thơ mình đẹp như thế, làm mình lại mong ước được theo nghề bố mẹ!
Khi đã bước chân vào ngành thì rất nhiều kỉ niệm đáng để nhớ! Vui có, buồn có.
Nhớ tới chuyến tàu năm đầu tiên phải xa nhà vào chiều 30 Tết, khi mọi ng đc ở gần nhau quây quần vui vẻ thì mình lại kéo cặp bước chân lên tàu. Lúc đó 2 con còn nhỏ, nhớ thương nhà quá, chỉ muốn bỏ tàu về với ông bà và các con.
Khi đoàn tàu chở mình về qua nhà lúc đó cũng là 20-21h đêm 30 tết! Cảm giác nghẹn ngào khó tả! Nước mắt cứ rơi lã chã! Mình đi vào giường nằm đắp chăn không nói chuyện với ai, khóc mãi! Nằm một lúc, khi bình tâm lại, nghĩ rằng ai cũng như mình thì ai sẽ là người đưa những hành khách xa nhà cả năm đi làm được về nhà tụ họp với gia đình và người thân nhỉ?
Và thế là mọi thứ được gạt đi, mình vững tin hơn và và nghĩ rằng những đồng nghiệp của mình cũng vậy! Họ cũng buồn và nhớ nhà, nhưng họ vẫn vui vẻ và hết mình để hoàn thành công việc. Và cứ như thế, con tàu là một phần cuộc sống của mình, là ngôi nhà thứ 2 của mình, là nơi mình làm việc, phấn đấu! Mình tự nhủ, luôn cố gắng làm việc thật vui vẻ và chu đáo!
Rồi đợt dịch Covid đến!
Mình nhớ hôm đó, sau khi kết thúc chiến dịch Tết, kéo đoàn tàu rỗng quay ra không chở khách, tổ có hơn 20 anh em, tổ chức liên hoan hết chiến dịch! Anh em trong tổ ngồi quây quần ăn chung nồi lẩu. Mình ngồi bên trong, ngay cạnh mình là một cậu em (khi đó chưa biết cậu ấy bị nhiễm covid), cậu ngồi cứ gắp thức ăn cho mình, bảo chị ngồi trong, xa không gắp được, để em gắp cho. Liên hoan xong cả tổ còn lấy míc hát chung nữa!
Thế rồi: Ối dồi ôi! Hôm sau, cậu ấy ho sốt, test lên 2 vạch…
Cả tổ lo sốt vó! Rồi lần lượt đưa nhau lên phòng cách ly!
Mình thì chả thấy có triệu chứng gì, cứ hồi hộp lo lắng, không dám đi đâu, ở lại ban luôn! Bình thường mỗi khi xuống ban là đi về nhà ngay, lúc đó chỉ xuống ban nằm lại phòng ở đây luôn, rồi điện thoại về nhà là phải quay tàu luôn. Cứ thế, mình nằm đủ 21 ngày không có triệu chứng gì mới dám nói thật với bố mẹ và và 2 con! Lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm!
Mình được như bây giờ thì phải cảm ơn bố mẹ đã là hậu phương vững chắc để mình yên tâm công tác, hai ông bà đã chăm các con mình nhiều hơn cả mẹ chúng. Giờ 2 con đã vào đại học, đó là thành quả lớn nhất của đời mình!
Đối với mình, tàu là nhà và mình sẽ yêu mãi công việc của mình, tự hào là cán bộ đường sắt Việt Nam!”
Ca sĩ Phạm Hồng Phước gội đầu cho chị Thủy, chị Hương và chụp hình kỉ niệm cùng các chị
Chị Hà Thị Thủy – nhân viên Trạm công tác trên tàu Hà Nội và kỉ niệm trở thành “bà đỡ” trên tàu 
Chị vào nghành đường sắt năm 2005, cũng có thể coi đây là cái duyên đặc biệt. Bởi vì ngoài chị ra, trong gia đình trước giờ không có ai trong nghành đường sắt cả.
Chị luôn tâm niệm rằng, ngành đường sắt của mình là ngành phục vụ, chất lượng phục vụ có phụ tốt thì mới có hành khách yêu thương, như vậy mình mới có công việc để làm. Và chị luôn dặn lòng, phải yêu nghề thật nhiều, luôn nhẹ nhàng, tận tình, chu đáo với hành khách.
Trong 19 năm công tác có một kỷ niệm mà chị đang nhớ nhất, đó là ngày 03/01/2020, có một hành khách trở dạ sinh em bé trên tàu trong toa chị phụ trách. Và hôm ấy, chính tay chị đỡ em bé chào đời. Con sinh vào lúc 23h15 ngày 03/01/2020 chuyến tàu SE6.
Với bản thân từng làm mẹ, từng được học qua lớp vệ sinh viên do cơ quan đào tạo, chị đã bình tĩnh áp dụng các kĩ năng được học, rồi đón em bé chào đời thành công, mẹ tròn con vuông.
Thật sự khi chính tay mình đỡ, mình mới biết vì sao bác sỹ phát vào mông để cho các bé phải khóc lúc mới sinh ra là như thế nào. Vì lúc sinh ra, chị thấy em bé tái tái, chị sợ quá, không nói được gì, khi đặt bé xuống giường thì bé khóc tiếng khóc đầu tiên. Sau tiếng khóc đó, em bé hồng hào dần lên và chị đã có thể cười hạnh phúc và nói câu đầu tiên với con: “Cô chào con – cô bé được sinh ra trên chuyền tàu SE6!”. Rồi tiếp sau đó, là bao nhiêu tiếng chào của các cô chú đứng bên cạnh, lúc ấy cả toa tàu vỡ hòa niềm vui và cảm động!
Nghề của mình đặc thù, nếu ngày lễ tết cả nước được nghỉ thì mình lại phải đi làm, chính vì vậy, con tàu, anh em đồng nghiệp của tổ tàu đều như người thân, như gia đình.
Bản thân chị không được may mắn có cuộc sống trọn vẹn như bao người khác, chồng chị bị tài nạn mất năm 2007, chị có một cháu duy nhất thôi, những ngày mẹ đi làm thì con ở nhà với ông bà. Công việc đi làm cũng vất vả, xa nhà xa con, nhưng bù lại chị luôn được sự giúp đỡ của cơ quan, anh chị em đồng nghiệp, ai cũng yêu thương và tạo điều kiện tốt nhất để chị hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Và luôn luôn được sự giúp đỡ của gia đình để chị công tác tốt.
Được đi dọc từ Bắc vào Nam, qua bao nhiêu tỉnh thành, vùng miền, gặp gỡ nhiều người với tiếng nói khác nhau… thấy rất thú vị! Càng ngày càng yêu công việc của mình nhiều hơn, muốn được gắn bó mãi!
Ca sĩ Phạm Hồng Phước tham gia các hoạt động trên tàu: biểu diễn, tiệm tóc và viết thư tay
 Những chia sẻ của các chị vô cùng giản dị mà cảm động, khi tiếp xúc với các anh chị trên tàu càng thêm yêu quý người cán bộ đường sắt tận tình, dễ mến. Cảm ơn các anh chị đã dành thanh xuân cho những chuyến tàu tình cảm, ấm áp trên những chặng đường xa!
Tường Nguyên

Leave A Comment